Những đóng góp chính đối với Công giáo Việt Nam Giuse_Maria_Trịnh_Văn_Căn

Chăm sóc giáo dân tại miền Bắc

Trong thời gian làm Chánh xứ, linh mục Giuse Căn đã cho thực hiện hai công trình lớn tại xứ đạo Hà Nội là xây nhà nguyện trong khuôn viên Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức) được khánh thành năm 1958 và trùng tu Nhà thờ chính tòa Hà Nội, một thánh đường cổ kính được xây cất từ năm 1884 và hoàn thành năm 1888 dưới thời Giám mục Puginier Phước (1835 – 1892). Để khắc phục sự khó khăn về kinh phí tu sửa nhà thờ chính tòa Hà Nội, ông tổ chức xổ số trong giáo xứ với 100.000 vé phát hành, mỗi vé 5 đồng. Các hội đoàn, giáo dân, thiếu nhi... trong giáo xứ đều hưởng ứng ủng hộ nên vé bán hết và sau đó ngày mở số diễn tiến tốt đẹp. Nhiều người trúng giải đã tặng lại cho quỹ để trùng tu nhà thờ.[16]

Năm 1963 khi linh mục Giuse Trịnh Văn Căn được tấn phong làm Tổng giám mục Phó của Tổng giáo phận Hà Nội, lúc bấy giờ Tổng giáo phận có 157.000 giáo dân, 51 linh mục, và 112 nhà thờ. Năm 1978 khi Giuse Maria Trịnh Văn Căn trở thành Tổng giám mục Hà Nội thì lúc đó con số giáo dân đã tăng lên rất nhiều.[6] Khi Tổng giáo phận Hà Nội thiếu linh mục, ông cố gắng mở cửa lại Đại chủng viện Hà Nội dù hoàn cảnh lúc đó rẩt khó khăn cho đến khi đại chủng viện phát triển không chỉ đào tạo linh mục cho Hà Nội mà còn cho nhiều Giáo phận Miền Bắc.[1] Ông cho người đến các trại cải tạo thăm nuôi những linh mục bị giam cầm trong khi ông tiếp xúc với chính quyền đề nghị cho các linh mục đang bị quản chế được về thi hành mục vụ.[31] Trong suốt 27 năm làm Giám mục, ông đã truyền chức cho rất nhiều Giám mục miền Bắc.[16][gc 48] Ngoài ra với cương vị người đứng đầu Tổng giáo phận Hà Nội, ông đã nhiều lần phong chức linh mục tuy số lượng khá ít do hoàn cảnh chính trị xã hội không cho phép.[18] Dưới thời hai đời hồng y Hà Nội là Trịnh Như Khuê và Trịnh Văn Căn đều không chấp nhận việc truyền chức linh mục chui, như các trường hợp của các giáo phận xung quanh.[236] Về vấn đề đào tạo giáo lý, ông cho tái lập hàng ngũ giáo lý viên sau hàng thập niên trì trệ trong thời kỳ cấm cách, bắt đầu từ năm 1980, cùng với sự cộng tác của Dòng Mến Thánh Giá Hà Nội.[84] Giám mục Đặng Đức Ngân nhắc về việc ông gần gũi với giáo dân Tổng giáo phận Hà Nội:[1]Niềm vui trong đời sống mục tử, bắt nguồn từ niềm vui trong Chúa, luôn thu hút mọi người đến với ngài, và dù chỉ dăm, mười phút được gặp gỡ, nhưng Ngài không từ chối gặp bất cứ ai: gặp gỡ để hỏi han, gặp gỡ để cảm thông, gặp gỡ để giúp đỡ và sự gặp gỡ luôn mang lại niềm vui mừng cho con cái trong Giáo phận, cũng như sự trân trọng của anh chị em lương dân.[237]

Những năm cuối đời, ông còn kiêm thêm nhiệm vụ làm Giám mục Giám quản Tông Toà theo yêu cầu của Tòa Thánh tại các giáo phận như: Giáo phận Hưng Hoá,[193] Giáo phận Thanh Hoá,[199] Giáo phận Thái Bình[198] và đặc biệt là Tổng giáo phận Huế.[162]

Dịch Kinh Thánh và sưu tầm Thánh Ca

Một trang trên dịch phẩm Kinh Thánh do Giuse Maria Trịnh Văn Căn dịch và được xuất bản năm 1985.

Từ năm 1972, Giuse Maria Trịnh Văn Căn bắt đầu tổ chức dịch Kinh Tân ước.[16] Dù bị giới hạn bởi hoàn cảnh chiến tranh, nhưng tính tới năm 1975, bộ sách đã xuất bản được hơn 5.000 cuốn. Đến năm 1978, ông tiếp tục dịch Kinh Cựu ước và hoàn thành trước năm 1985.[gc 49] Ông dịch Kinh Thánh dựa vào Bible de Jérusalem và tham khảo tiếng Hipri và Hy Lạp. Năm 1985, trong hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ Đổi mới, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã nỗ lực để xuất bán toàn bộ bản dịch Kinh Thánh của ông.[238][gc 50] Một bản sao của bộ Kinh Thánh ông dịch được xuất bản tại Quận Cam, California cùng năm. Các bản dịch do ông chủ biên được đánh giá là sử dụng ngôn ngữ thông thường với lời văn bình dị, dễ hiểu, nghe xuôi hơn so với các bản dịch cũ.[31] Tuy nhiên cũng không tránh khỏi nhiều chỗ dịch khá thoáng, chưa lột được hết ý của nguyên văn.[239] Bản dịch Kinh Thánh của ông được phân phát đến các gia đình giáo dân để họ sử dụng hàng ngày.[13]

Ông cũng được cho là có công lớn trong việc chỉnh lý, dịch giả, hệ thống hóa và phổ biến rộng rãi những bài vãn cổ dâng hoa.[gc 51] Dù đã lớn tuổi nhưng ông vẫn học thành công việc đánh đàn. Ông đã bỏ nhiều công sức để ghi nhạc, sửa lời những bài văn quý bị mai một và đã xuất bản được 7 bộ dâng hoa.[gc 52] Đây được đánh giá là những tư liệu quý cho nghiên cứu âm nhạc dân tộc và sự hội nhập văn hóa của Công giáo Việt Nam vào dòng âm nhạc dân tộc. Từ năm 1973, ông dịch những bài hát tiếng Latinh sang tiếng Việt, xuất bản 3 tập Thánh Ca I, II, III vào năm 1976 và tập IV vào năm 1986 hoặc 1987. Năm 1989 thì lại xuất bản cuốn "Học đàn, học nhạc, học hát".[16][240] Năm 1990, Sách truyện các thánh tử đạo Việt Nam gồm hai tập do ông chủ biên được phát hành.[241]

Tạo mối quan hệ với chính quyền trong nước, quốc tế

Giuse Maria Trịnh Văn Căn là người xúc tiến thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1980. Ông tổ chức đàm thoại với chính quyền và Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam để bàn thảo về việc thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam thống nhất với đầy đủ tư cách pháp lý. Cuối tháng 4 năm 1980, 33 giám mục toàn quốc đã đến Hà Nội dự Đại hội thành lập Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đại hội đã chọn Hồng y Trịnh Văn Căn làm Chủ tịch đầu tiên.[16] Đây là một biến cố quan trọng đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam vì lần đầu tiên các giám mục cả nước gặp nhau và cùng đưa ra một đường hướng mục vụ chung mới.[88]

Lúc sinh thời, Giuse Maria Trịnh Văn Căn luôn là người thay mặt cho Giáo hội Việt Nam trong các hoạt động ngoại giao với Toà thánh Vatican, kể cả khi còn làm tổng giám mục phó, dưới quyền Tổng giám mục Trịnh Như Khuê. Ông nhiều lần đi dự các Đại hội, các phiên Thượng Hội đồng Giám mục do Toà thánh Vatican tổ chức, đặc biệt là các phiên họp vào trước năm 1975 dù trong hoàn cảnh bấy giờ, bang giao giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn bị cắt đứt.[77] Năm 1963, Trịnh Văn Căn thay mặt Tổng giám mục đi dự Công đồng chung Vatican II.[40] Năm 1974, ông thay mặt Tổng giám mục đại diện cho Giáo hội Bắc Việt Nam đi Rôma dự Thượng hội đồng Giám mục Thế giới. Ông đã có bài phát biểu nổi bật nói về nếp sống và giữ đạo tại Việt Nam trong các hoàn cảnh có nhiều khó khăn.[16][47] Ông cũng đi dự Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới khóa ngoại lệ năm 1985 với chủ đề "The Twentieth Anniversary of the Conclusion of the Second Vatican Council" (Kỷ niệm 20 năm bế mạc Công Ðồng Vatican II).[122] Đến năm 1987, ông được chọn tham gia Đại hội đồng Giám mục thế giới khoá VII chủ đề "The Vocation and Mission of the Lay Faithful in the Church and in the World" (Các ơn gọi và sứ mệnh của các tín hữu giáo dân trong Giáo hội và trong thế giới) với chức vị chủ tịch đại biểu, nhưng sau đó ông không đi được đi do bị bệnh.[135][138][142] Ngoài ra, Giuse Maria Trịnh Văn Căn cũng là người hoàn tất việc xúc tiến mở hồ sơ phong thánh cho các thánh tử đạo Việt Nam.[31] Dù phải chịu nhiều áp lực và phản đối từ phía chính quyền, Hồng y Căn đã giải quyết thành công nhiều vấn đề phức tạp và tế nhị với giữ vững được ý nghĩa của tôn giáo. Những điều đó có ảnh hưởng quan trọng đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam.[242]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giuse_Maria_Trịnh_Văn_Căn http://www.giaoxugiaohovietnam.com/BuiChu/01-Giao-... http://mes.stparchive.com/Archive/MES/MES10021987P... http://www.tulsaworld.com/archives/world-death/art... http://www.ucanews.com/story-archive/?post_name=/1... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/giu-bui-tr... http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/muc-tu-nha... http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=v... http://www.vietcatholic.net/News/Html/243094.htm http://www.vietnamvanhien.net/toiphaisong.pdf http://hdgmvietnam.org/giao-hoi-cong-giao-viet-nam...